Khả năng tích lũy Kẽm và Cadimi trong các bộ phận của một số loại rau ăn quả

Cập nhật vào ngày: 13 / 03 / 2017

Rau là loại thực phẩm cần thiết cho đời sống con người, không loại thực phẩm nào có thể thay thế vị trí quan trọng của cây rau trong khẩu phần ăn hàng ngày. Trong những năm gần đây nhu cầu về cây rau ngày càng tăng, người sản xuất đã không ngừng nâng cao năng suất nhờ áp dụng tiến bộ khoa học như phân bón hóa học, thuốc trừ dịch hại…ngoài ra còn áp dụng giống mới và thâm canh tăng vụ. Tồn dư của thuốc trừ sâu, hóa chất, phân bón sử dụng trong nông nghiệp là một trong các nguyên nhân gây ô nhiễm đất canh tác và cây trồng, từ đó trực tiếp hay gián tiếp tác động xấu đến con người qua đường ăn uống. Chính vì vậy, người tiêu dùng rất lo ngại và quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm trong đó có sự tích lũy kim loại nặng trong rau.

Ô nhiễm kim loại nặng (trong đó có Zn và Cd) luôn là yếu tố cản trở lớn nhất trong việc lựa chọn các vùng đất để sản xuất rau an toàn. Việc ô nhiễm các yếu tố kim loại nặng như: chì, cadimi, đồng, kẽm… trong đất là nguyên nhân cơ bản dẫn tới dư lượng kim loại nặng vượt mức cho phép trong các sản phẩm rau thương mại. Để có sản phẩm rau “sạch” và an toàn cho người sử dụng, chúng ta cần tìm hiểu xem kim loại nặng sẽ tích lũy chủ yếu ở bộ phận nào của cây rau? hàm lượng là bao nhiêu? có vượt quá ngưỡng cho phép con người sử dụng hay không? Từ đó khuyến cáo người sản xuất nên lựa chọn giải pháp tốt nhất để hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng. Đích cuối cùng là bảo vệ sức khỏe cho con người. Bài viết là một phần kết quả nghiên cứu của đề tài: “Nghiên cứu một số giải pháp hạn chế nhiễm bẩn kim loại nặng trong đất để phục vụ sản xuất rau an toàn” do Viện Môi trường Nông nghiệp thực hiện giai đoạn 2009 – 2011.

Liên hệ: iaehung@gmail.com để biết thông tin chi tiết

Tải về