Nghiên cứu sản xuất than sinh học từ rơm rạ và trấu để phục vụ nâng cao độ phì đất, năng suất cây trồng và giảm phát thải khí nhà kính

Cập nhật vào ngày: 13 / 03 / 2017

Than sinh học (TSH) là thuật ngữ dùng để chỉ các bon đen (black carbon) hay biochar, được tạo ra từ quá trình nhiệt phân các vật liệu hữu cơ trong môi trường không có hoặc nghèo ôxy để không xảy ra phản ứng cháy. Nó đang được nhiều nhà khoa học trên thế giới ví như là “vàng đen” cho ngành nông nghiệp. TSH có thể tạo ra từ nhiều phế phụ phẩm trong nông nghiệp khác nhau như rơm rạ, vỏ trấu, vỏ hạt, bã mía v.v... Sau mỗi vụ thu hoạch, một lượng lớn phế phụ phẩm nông nghiệp bị đốt cháy hoặc để phân hủy giải phóng CO2 và CH4 vào khí quyển gây nên sự ô nhiễm khói bụi và hiệu ứng khí nhà kính (IPCC, 2007). Quá trình nhiệt phân tạo TSH, các bon có trong vật liệu hữu cơ không bị mất đi hoàn toàn mà tồn tại ở dạng khó bị phân giải bởi các yếu tố môi trường của đất. Sử dụng những vật liệu trên tạo TSH để bón vào đất không chỉ giảm ô nhiễm môi trường, mà còn giúp tăng cường trao đổi cation, khả năng giữ nước, dưỡng chất và bảo vệ vi khuẩn có lợi cho đất, tăng sức sản xuất của đất trồng, đảm bảo an ninh lương thực, giảm lượng phân bón vừa đóng vai trò như bể chứa carbon tự nhiên trong môi trường đất. Đặc biệt nó rất dễ làm và có một chi phí thấp. Việt Nam có một tiềm năng sinh khối đáng kể là những phế phụ phẩm nông nghiệp. Theo ước tính Việt Nam với sản lượng lúa là 38 triệu tấn/năm (GSO, 2009) thì sẽ có tương ứng 38 triệu tấn rơm rạ, 6-7 triệu tấn trấu. Ngoài lúa còn có khoảng 1,4 triệu tấn lá mía (chỉ tính lượng nông dân đốt tại ruộng) và một lượng không nhỏ các nguồn phụ phẩm khác như cỏ, lá, mùn cưa, bã mía …Đây là nguồn vật liệu rất phong phú và đầy hứa hẹn cho sản xuất TSH để phục vụ cuộc sống.

Xuất phát từ thực tế nêu trên, bài viết này mô tả các thử nghiệm và phân tích đánh giá tìm ra phương pháp sản xuất TSH tối ưu từ trấu và rơm rạ, dễ dàng áp dụng ở vùng nông thôn Việt Nam.

Liên hệ: iaehung@gmail.com để biết thông tin chi tiết

Tải về