Một số kết quả nghiên cứu KHCN nổi bật giai đoạn 2012-2014

Cập nhật vào ngày: 20 / 03 / 2015

Đến nay, cơ cấu tổ chức của Viện gồm 3 Phòng chức năng, 5 Bộ môn nghiên cứu; 2 Trung tâm và 2 trạm. Đến 30/10/2014, Viện có 153 viên chức, trong đó 99 biên chế và 54 hợp đồng, với 2 PGS, 10 tiến sĩ, 48 thạc sỹ và 68 kỹ sư. Trong giai đoạn 2012-2014, Viện đã triển khai 7 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 18 nhiệm vụ cấp Bộ, 4 nhiệm vụ hợp tác quốc tế, 7 nhiệm vụ phối hợp với địa phương và 188 hợp đồng dịch vụ khoa học công nghệ. Kết quả hoạt động khoa học công nghệ nổi bật của Viện trong giai đoạn qua gồm:

1. Quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu và cảnh báo ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn

Viện đã tiến hành quan trắc thường xuyên tại 61 điểm quan trắc thuộc 9 tỉnh miền Bắc; 43 điểm quan trắc tại 11 tỉnh miền Nam và 39 điểm quan trắc thường xuyên tại 13 tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ. Hàng năm, hoạt động quan trắc của Viện tiến hành lấy trên 400 mẫu đất, phân tích gần 38 lượt chỉ tiêu chất lượng đất để cung cấp cơ sở dữ liệu phục vụ công tác cảnh báo, chỉ đạo sản xuất và xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia. Dựa vào kết quả quan  trắc, Viện đã xây dựng cơ sở dữ liệu chất lượng môi trừng phục vụ công tác cảnh bảo, phát triển các mô hình mô phỏng tồn dư kim loại nặng độc hại trong các vùng thâm canh cao, xác định và dự báo tải lượng hệ thống sông Nhuệ, mô phỏng di chuyển và cảnh báo tốn dư dioxin tại Huế, Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, mô hình lan tỏa nitrảte các vùng thâm canh,…

2. Phát triển và ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong xử lý ô nhiễm môi trường

          (i) Lĩnh vực công nghệ sinh học môi trường

Viện đã phát triển và ứng dụng thành công các chế phẩm sinh học hạn chế mùi hôi và tái sử dụng chất thải làm phân bón hữu cơ gồm 5 bộ chủng vi sinh, 1 chế phẩm sinh học (BIO-ADB); 3 chế phẩm xử lý phế phụ phẩm trồng trọt (vỏ cà phê, bã mía, rơm rạ, rác rau) như BioEM 1; BioEM2; BioEM 3; 4 chủng VSV phân giải phosphate; 4 tổ hợp VSV phân giải cacbonhydrate; 3 chế phẩm phân giải xenlulo (MIC-CAS1; MIC-CAS 2; MIC-CAS3). Viện tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với địa phương để hoàn thiện quy trình ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý ô nhiễm môi trường đối với các loại cây trồng (lúa, ngô, lạc, cà phê, cây hồ tiêu); xác định tỷ lệ phối trộn và hoàn thiện quy trình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh. Viện đã tiến hành khảo sát hàng trăm hộ nông dân, lấy hàng chục mẫu phân tích để đánh giá hiện trạng môi trường và chuyển giao các chế phẩm sinh học (LTH19, LTH100, LTH200, MIC-CAS3), thực vật thủy sinh để xử lý ô nhiễm nước mặt ở các làng nghề chế biến thực phẩm, giết mổ gia súc.

Viện cũng đã tiến hành triển khai 6 mô hình thu gom và xử lý chất thải trồng trọt, chất thải sau trồng nấm dựa trên các chế phẩm do Viện phát triển taị 3 tỉnh (Thái Bình, Hải Dương và Hưng Yên). Xây dựng và chuyển giao thành công 3 quy trình sản xuất thức ăn từ bã thải sau chế biến tinh bột sắn, dong riềng. Đối với sinh vật ngoại lai, Viện đang tiến hành các nghiên cứu xác định thành phần loài, đặc điểm phân bố và phát triển và thử nghiệm các mô hình kiểm soát, diệt từ cây trinh nữ móc tại vườn quốc gia Cúc Phương.

 (ii) Lĩnh vực hóa, hóa lý:

Viện đã tiến hành nghiên cứu và lựa chọn được 3 loại vật liệu có hoạt tính cao, có nguồn gốc tự nhiên và phát triển thành công quy trình xử lý nước sinh hoạt bị ô nhiễm asen tại vùng đồng bằng sông Hồng. Trước vấn đề ô nhiễm tồn dư thuốc BVTV, Viện đã xây dựng thành công 3 mô hình và phát triển 1 quy trình xử lý triệt để vùng đất bị ô nhiễm thuốc BVTV tại tỉnh Nghệ An, Hà Nội, Thanh Hóa và đang mở rộng các mô hình này theo đặt hàng của các địa phương. Viện đã phát triển thành công thiết bị xử lý và làm sạch bao bì thuốc BVTV tại các vùng thâm canh cao.

Trước vấn đề tôm chết hàng loạt, Viện đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của ô nhiễm của 23 hoạt chất sử dụng trong thuốc BVTV và các sản phẩm xử lý môi trường, đang tiến hành xây dựng mô hình và quy trình xử lý môi trường trong nuôi tôm và cá tra nhằm hạn chế tác động tiêu cực của hóa chất đến nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, Viện đã tiến hành xây dựng bản hướng dẫn xử lý tồn dư thuốc BVTV tại các vùng đất ô nhiễm nghiêm trọng. Viện cũng đã tiến hành bố trí các thí nghiệm nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ quản lý ô nhiễm kim loại nặng trong đất trồng rau chuyên canh tại các tỉnh phía Bắc.

 (iii)  Nghiên cứu phát triển than sinh học từ phụ phẩm sản xuất nông nghiệp

Với sự hỗ trợ của IFPRI và Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện đã thiết kế và vận hành thành công hệ thống lò đốt sản xuất than sinh học từ chất thải trồng trọt gồm rơm rạ, trấu, thân ngô, lá mía (quy mô 120kg than sinh học/ngày). Viện cũng tiến hành đánh giá khả năng chấp nhận của 720 hộ nông dân về than sinh học và tổ chức 01 hội thảo quốc tế về thực tiễn ứng dụng than sinh học tại Việt Nam. Kết quả cho thấy than sinh học có hiệu quả cao trong cải tạo đất và nâng cao năng suất cây trồng nhưng cần có nhiều hỗ trợ hơn về công nghệ, chính sách quản lý để giảm giá thành than sinh học cho nông dân. Viện đã chuyển giao 6 mô hình sản xuất và ứng dụng than sinh học cho các tỉnh Nam Định, Hải Dương, Thái Bình, An Giang, Tiền Giang và Đồng Tháp.

3. Phát triển giải pháp KHCN phục vụ sản xuất nông sản an toàn

Dựa trên kết qua nghiên cứu, Viện đã giúp Bộ xây dựng thành công quy trình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Trên quy trình được Bộ phê duyệt, Viện đã thúc đẩy, ứng dụng  VietGAP tại 12 tỉnh với 24 mô hình (mỗi mô hình 25 ha rau). Để giúp các địa phương triển khai phát triển sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, Viện đã tiến hành đánh giá hiện trạng môi trường và cấp chứng chỉ cho 8 tỉnh với 30 chứng chỉ môi trường đủ điều kiện cho sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Thông qua các mô hình, Viện đã đào tạo 270 học viên là khuyến nông viên và 2.700 nông dân về kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, trực tiếp sản xuất và cung ứng cho thị trường trên 5000 tấn rau an toàn.

4. Thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu trong nông nghiệp

          Viện đã chủ trì triển khai 2 đề tài cấp nhà nước, 1 đề tài cấp bộ và 4 nhiệm vu hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu trong nông nghiệp. Kết quả đã đánh giá thiệt hại và dự báo tác động của BĐKH đến các cây trồng chủ lực tại 8 vùng sinh thái, xây dựng 8 bản đồ đánh giá tác động của BĐKH đến lúa, ngô, lạc, đậu tương tại đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long đến 2020, 2030 và 2050. Viện đã xây dựng thành công 1 bộ chỉ số đánh giá thiệt hại biến đổi khí hậu, 1 bộ chỉ số đánh giá tổn thương, đánh giá và khuyến cáo 14 giải pháp thích ứng trong nông nghiệp. Viện đang triển khai triển khai 48 thí nghiệm về quy trình kỹ thuật canh tác và bảo vệ đất thích ứng với biến đổi khí hậu tại 8 vùng sinh thái nông nghiệp.

Viện đã tiến hành nghiên cứu động thái phát thải KNK hệ thống canh tác lúa có tưới, xây dựng phương pháp và kiểm kê phát thải KNK bằng mô hình DNDC và DSSAT, lấy 750 mẫu khí và đã xác định được hàm lượng phát thải KNK trên hệ thống canh tác lúa nước, hoàn thành bài báo và đang xử lý số liệu để viết báo báo quốc tế. Kết quả nghiên cứu của Viện còn xây dựng được 1 hướng dẫn giám sát, báo cáo và thẩm định giảm phát thải KNK (MVR) cho trồng trọt, 1 đề án giảm phát thải KNK, xác định và phân tích hiệu quả kinh tế 17 giải pháp giảm phát thải KNK trong nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, Viện cũng đã tiến hành nghiên cứu về biến đổi khí hậu tại các tỉnh miền núi, đã xác định được 24 thách thức và rủi ro do tác động của BĐKH, kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và PTNT về các chính sách phù hợp để thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo sản xuất bền vững nông nghiệp và cải thiện sinh kế cho nông dân tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

5. Xác định cơ sở khoa học cho phát triển cơ chế chính sách quản lý môi trường nông nghiệp, nông thôn

Kết quả nghiên cứu của Viện đã tiến hành đánh giá thiệt hại kinh tế do chất thải phát sinh tại 12 làng nghề, kiến nghị nhiều giải pháp quản lý làng nghề giảm thiểu thiệt hại kinh tế. Viện cũng được Bộ đánh giá có nhiều đóng góp cho Bộ trong công tác xây dựng các văn bản quản lý bao gồm 1 thông tư quản lý nhiệm vụ môi trường (Thông tư 76/2009/BNNPNT), 1 đề án tăng cường năng lực quan trắc (Quyết định 3224/QĐ-BNN-KHCN), 1 đề án giảm phát thải KNK (Quyết định 3119/QĐ-BNN-KHCN) và tham gia tham vấn cho nhiều văn bản quản lý khác của các Bộ/ngành. Ngoài ra, Viện cũng tiến hành rà soát, đánh giá hệ thống văn bản quản lý môi trường nông nghiệp, nông thôn để kiến nghị kịp thời với Bộ về sửa đổi, điều chỉnh phù hợp nhằm quản lý hiệu quả công tác  môi trường nông nghiệp, nông thôn.