Hội nghị COP 21: Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định mô hình nông nghiệp thông minh nâng cao khả năng chống chịu với tác động của BĐKH

Cập nhật vào ngày: 15 / 12 / 2015

Hội nghị COP 21: Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định mô hình nông nghiệp thông minh nâng cao khả năng chống chịu với tác động của BĐKH

(Mard-04/12/2015): Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu, nhận lời mời của Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ, ngày 2/12/2015 Bộ trưởng Cao Đức Phát đã tham dự với tư cách là khách mời đặc biệt tại Hội nghị “Liên minh toàn cầu nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu” tại Paris, Pháp.

Cùng tham gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về chủ đề nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Hội nghị có Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ, Bộ trưởng Nông nghiệp Costa Rica, Đại sứ Ireland tại Pháp và gần 100 đại biểu quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng đã chia sẻ một số kinh nghiệm của nông nghiệp Việt Nam trong ứng phó với BĐKH, bao gồm i) Sản xuất lúa: Việt Nam đã ứng dụng, khuyến cáo người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật thông qua mô hình thâm canh lúa cải tiến (SRI). Mô hình này có thể giảm tới 30% lượng phân bón, thuốc trừ sâu nhưng năng suất tăng từ 10-20% và giảm khí thải nhà kính tới 30%; ii) Sản xuất cà phê: Cùng với tập đoàn Nestle và đối tác khác, những tiến bộ kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc cà phê đã được khuyến cáo cho người dân. Mô hình này đã sử dụng tiết kiệm nước tới 30% so với phương thức canh tác truyền thống, trong khi năng suất tăng 10%, thu nhập của người dân tăng 14% và giảm khí thải nhà kính tới trên 50%; iii) Lĩnh vực chăn nuôi: Chính phủ đã hỗ trợ người dân toàn quốc xây dựng hầm Biogas, do đó đã giảm đáng kể phát thải khí nhà kính; iv) Lâm nghiệp: Với hỗ trợ quốc tế Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong việc trồng và bảo vệ rừng. Độ che phủ rừng đã tăng từ dưới 30% vào đầu những năm 1990 lên tới 40,7% vào năm 2015.

Để nhân rộng được các mô hình thành công nói trên, Bộ trưởng đã nhấn mạnh đến việc cần phải có sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và của các bên liên quan (người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học…); có chính sách khuyến khích hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp tham gia tích cực vào tiến trình này; cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho người nghèo; và cần chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế.  

Bộ trưởng khẳng định rằng trong nông nghiệp có thể làm nhiều việc để giảm phát thải khí nhà kính, việc triển khai mô hình nông nghiệp thông minh sẽ đạt được các lợi ích kép đó là: tăng năng suất và tăng thu nhập cho người nông dân; nâng cao khả năng phục hồi và chống chịu với tác động của BĐKH cho hệ thống sản xuất lương thực; và giảm /hoặc loại bỏ các khí thải nhà kính. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện cần phải khuyến khích, hỗ trợ người nông dân để họ tích cực tham gia và là người được hưởng lợi từ quá trình này. 

Nguồn: Vụ HTQT - Bộ NN&PTNT