Viện Môi trường Nông nghiệp tổ chức Hội thảo “Hiện trạng phát sinh và các giải pháp quản lý rác thải nhựa trong nông nghiệp”

Cập nhật vào ngày: 08 / 06 / 2023

Ngày 05/6/2023, Viện Môi trường Nông nghiệp đã tổ chức Hội thảo “Hiện trạng phát sinh và các giải pháp quản lý rác thải nhựa trong nông nghiệp”  để hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2023 với chủ đề Giải pháp cho ô nhiễm nhựa - Solutions to Plastic Pollution. Đây là một hoạt động ý nghĩa gắn với chức năng nhiệm vụ và sứ mạng của Viện. Viện Môi trường Nông nghiệp là đơn vị tiên phong được Bộ Nông nghiệp và PTNT tin tưởng giao nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá tác động của chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đến môi trường và để xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa”. Để nhìn lại kết quả của nhiệm vụ cũng như tăng cường thêm kiến thức cho các cán bộ Viện đặc biệt các cán bộ trẻ, Viện đã tổ chức Hội thảo với 4 tham luận: 1. Hiện trạng phát sinh rác thải nhựa trong nông nghiệp; 2. Phương pháp phân tích hạt vi nhựa; 3. Phương pháp xử lý, tái sử dụng nhựa trong nông nghiệp; 4. Đề xuất một số vật liệu thay thế nhựa trong sản xuất nông nghiệp.

Phát biểu khai mạc, PGS. TS. Mai Văn Trịnh – Viện Trưởng đánh giá rác thải nhựa đang là một vấn nạn toàn cầu. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường mỗi năm trên thế giới có hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế để chỉ sử dụng một lần và trong số đó, ít hơn 10 phần trăm được tái chế. Trong số đó, rác thải nhựa trong nông nghiệp chiếm một lượng rất lớn. Theo Báo cáo hện trạng môi trường quốc gia năm 2021, tại Việt Nam tổng lượng chất thải rắn (bao gồm chất thải nhựa) phát sinh từ trồng trọt khoảng 661,5 nghìn tấn/năm (gồm 550 nghìn tấn ni lông, 77,49 nghìn tấn vỏ bao bì phân bón và 33,98 nghìn tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật); từ chăn nuôi là 67.93 triệu tấn (gồm 77 nghìn tấn chất thải nhựa vỏ bao bì thức ăn); từ thủy sản là 880 nghìn tấn bùn thải và 273 nghìn tấn chất thải từ bao bì thức ăn, vỏ thuốc thú y và các loại chất rắn khác.

Thay mặt nhóm thực hiện nhiệm vụ về điều tra, đánh giá tác động của chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đến môi trường, ThS. Đặng Anh Minh, Bộ môn Môi trường nông thôn đã trình bày tham luận Hiện trạng phát sinh rác thải nhựa trong nông nghiệp trong đó tập trung vào các phần việc điều tra, đánh giá hiện trạng, đo đạc ước tính lượng phát sinh, xây dựng mô hình quản lý và đề xuất các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong trồng trọt và chăn nuôi. Tiếp theo Hội nghị được nghe tham luận Phương pháp phân tích hạt vi nhựa của ThS. Nguyễn Danh Thiện, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội trình bày về các phương pháp phân tích vi nhựa mẫu đất, trầm tích, nước, sinh vật bao gồm phân tích quang phổ hấp thụ, phân tích phổ tử ngoại, kỹ thuật hiển vi và phân tích hóa học. ThS. Đinh Xuân Tùng, Bộ môn An toàn và đa dạng sinh học đã trình bày tham luận Phương pháp xử lý, tái sử dụng nhựa trong nông nghiệp trong đó tập trung vào quy trình thu gom và xử lý bao gói thuốc BVTV, đây là kết quả của một đề tài Bộ môn phối hợp với Sở KH&CN Hà Nội và các cách xử lý, tái chế nhựa. Cuối cùng Hội nghị được lắng nghe tham luận Đề xuất một số vật liệu thay thế nhựa trong sản xuất nông nghiệp của ThS. Vũ Thị Hằng, Bộ môn Mô hình hóa và cơ sở dữ liệu. Các vật liệu thay thế đều là những vật liệu quen thuộc với cuộc sống hằng ngày, thân thiện với môi trường như tre, nứa, cói, giấy, bã mía, sơ mướp, bã cà phê, thủy tinh, , vật liệu tự hủy … tuy nhiên khi thay thế vật liệu nhựa đều hiệu quả và có tính thẩm mỹ cao. Các bài tham luận trình bày đều được Hội đồng KH&CN Viện đánh giá cao, tuy chưa phải là những báo cáo chuyên sâu nhưng đều có tiềm năng, chất xám và mở ra được những hướng nghiên cứu sau này.

Kết thúc hội thảo, PGS. TS. Mai Văn Trịnh gửi lời cám ơn đến Hội đồng KH&CN, các báo cáo viên và các cán bộ tham dự đồng thời cũng nhắc nhở các cán bộ hạn chế sử dụng nhựa đặc biệt là nhựa dùng một lần thay vào đó sử dụng các vật liệu khác thân thiện với môi trường.

Một số hình ảnh Hội thảo:

 

Phòng Khoa học và HTQT