Chất thải rắn sinh hoạt: Thu gom và xử lý

Cập nhật vào ngày: 13 / 12 / 2015

CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT: THU GOM VÀ XỬ LÝ[1]

Th.S. Nguyễn Đức Hiếu - Viện Môi trường Nông nghiệp

Chất thải rắn sinh hoạt nông thôn hiện nay đang trở thành vấn đề nổi cộm nhận được nhiều sự quan tâm, ưu tiên giải quyết của chính quyền địa phương. Lượng chất thải rắn từ sinh hoạt nông thôn ngày ngày phát sinh nhiều, đa dạng về thành phần và tính chất độc hại và đang gây nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. Theo ước tính, mỗi năm sinh hoạt nông thôn thải ra môi trường trên 10 triệu tấn, đa số trong số rác thải này chưa được thu gom và xử lý đúng quy định. Cùng với các loại chất thải khác từ trồng trọt, chăn nuôi, ảnh hưởng của chất thải từ sinh hoạt nông thôn đến môi trường, hoạt động sản xuất và cảnh quan nông thôn ngày càng nghiêm trọng đòi hỏi phải có các giảm pháp quản lý phù hợp.

Hiện nay, một số địa phương đã áp dụng các biện pháp thu gom rác thải sinh hoạt nhưng với quy mô nhỏ theo hình thức tổ, đội thu gom, phần lớn do hợp tác xã tự tổ chức thu gom, phương tiện thu gom còn rất thô sơ với các xe cải tiến chuyên chở về nơi tập trung rác chật hẹp, không hợp vệ sinh, chưa có biện pháp xử lý. Hoạt động thu gom tại điạ phương không diễn ra hằng ngày mà thường theo tuần, tháng hoặc định kỳ dọn vệ sinh của xã nên chưa đáp ứng được nhu cầu thu gom, rác thải vẫn tràn ngập ở các đường làng, ngõ xóm, ao, hồ…

Thực trạng rác thải sinh hoạt tại các vùng nông thôn không được thu gom hợp lý không chỉ làm mất cảnh quan đường làng ngõ xóm mà còn là các nguồn gây bệnh nguy hiểm, cụ thể:

- Chất thải sinh hoạt nếu không được thu gom hợp lý sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng, làm mất cảnh quan nông thôn, làm ô nhiễm và suy thoái môi trường. Nhiều loại chất thải nguy hại từ sinh hoạt có thể  tồn tại lâu trong môi trường, tồn dư trong nông sản phẩm, thực phẩm, nguồn nước và có khả năng gây ra các bệnh nguy hiểm đối với con người như bệnh đường tiêu hóa, bệnh hô hấp, xương khớp và một số bệnh nan y khác;

- Chất thải rắn sinh hoạt không được thu gom đúng quy định, hiện tượng đổ chất thải sinh hoạt bừa bãi ra hệ thống kênh mương, đường làng hoặc ra các khu đất canh tác nông nghiệp, nhất là các túi nilon, phế thải sẽ có nguy cơ làm thay đổi pH của đất, giảm lượng mùn, thay đổi kết cấu đất, làm mất cân bằng dinh dưỡng trong đất. Chất thải rắn cũng là nơi sinh sống của các loài côn trùng, gặm nhấm, vi khuẩn, nấm mốc... những loài này di động mang các vi trùng gây bệnh truyền nhiễm cộng đồng và phá hại mùa màng;

- Chất thải sinh hoạt khi không được thu gom và xử lý đúng cách cũng sẽ trở thành nguồn gây ô nhiễm nguồn nước. Nước mưa, nước từ rác thải theo dòng chảy đi vào các nguồn nước mặt làm ô nhiễm nước mặt hoặc ngấm xuống đất làm ô nhiễm nước ngầm. Thông thường sẽ mang vi sinh vật gây bệnh, kim loại nặng, chất hữu cơ…từ rác thải vào nguồn nước. Điều đáng chú ý là các chất ô nhiễm này sẽ có mặt trong nước sinh hoạt hoặc nước canh tác từ đó đi vào cơ thể người dân, tích lũy qua thời gian và gây các bệnh nguy hiểm.

- Trong quá trình phân hủy chất thải tự nhiên sẽ tạo ra các khí gây mùi khó chịu và các khí độc hại gây hiệu ứng nhà kính như CH4, CO2, N2O gây ô nhiễm môi trường không khí, làm giảm sự thoải mái, tăng sự ngột ngạt cho nông dân nhất là trong mùa hè nóng bức. Khi mùi hôi từ chất thải sinh hoạt vượt khả năng chịu đựng của nông dân sẽ gây ra các bênh như đau mắt, bệnh đường hô hấp, bệnh ngoài da, tiêu chảy, dịch tả, thương hàn,…cho cộng đồng và có nguy cơ bùng phát thành dịch nếu không có các biện pháp ngăn chặn kip thời.

Trước những ảnh hưởng đó, Viện Môi trường Nông nghiệp, Bộ Nông nghiêọ và PTNT yêu cầu bà con thực hiện một số công việc sau:

- Hãy phân loại rác trước khi bỏ vào nơi thu gom quy định: Phân loại rác không phải là việc làm xa lạ với bà con. Việc phân loại rác sẽ giúp bà con tận dụng rác hữu cơ dễ phân hủy để làm phân bón, thức ăn cho chăn nuôi tại nhà; tận dụng lại các chất thải có khả năng tái chế để bán phế liệu hoặc sử dụng vào các mục đích mang lại lợi ích cho bà con: Để phân loại rác bà con cần chú ý và nhận biết các loại rác sau:

+ Rác hữu cơ dễ phân hủy: là các loại rác dễ bị thối rữa trong điều kiện tự nhiên sinh ra mùi hôi thối như các loại thức ăn thừa, các loại thực phẩm hư hỏng (rau, cá chết...), vỏ trái cây,.... Loại này có thể tái sử dụng cho chăn nuôi, làm phân bón.

+ Rác thải khó phân hủy được chia làm 2 loại đó là rác tái chế và không tái chế. Rác tái chế là các loại rác có thể sử dụng lại nhiều lần trực tiếp hoặc chế biến lại như giấy, các tông, kim loại, các loại nhựa, thủy tinh.... Còn lại các loại rác không tái chế là phần thải bỏ như gạch, đá, sành xứ,…

Đối với rác hữu cơ dễ phân hủy sau khi phân loại, bà con cần có hố rác di dộng trong vườn của gia đình. Hố rác di động là hố nhỏ được đào để hằng ngày  bà con đổ phần rác hữu cơ dễ phân hủy xuống, dùng nắp đậy che kín mặt hố, sau một thời gian rác sẽ oai mục thành phân dùng để bón cho cây trồng hoặc cải tạo đất rất tốt. Nên thu gom các loại rác này ngay sau khi loại bỏ để tránh gây mùi hôi, thối trong nhà.

Đối với rác có thể tái chế thì nên tập kết vào vị trí cụ thể trong nhà và bán phế liệu ngay sau khi đủ số lượng và gặp người thu mua.

Đối với rác không thể tận dụng được thì thu gom và vứt đúng nơi quy định do địa phương quy định như bãi rác, thùng rác tại thôn, tuyệt đối không vất bừa bãi gây mất mỹ quan nông thôn và gây ô nhiễm môi trường.

- Không đốt rác thải khi chưa phân loại: Đổ đống và đốt rác thải ngay tại gia đình, đốt tất cả rác thải kể cả các loại chất dẻo như chai nhựa, cao su, túi nilon… là rất nguy hiểm bởi đốt thủ công nhiệt độ thấp dẫn tới các loại rác thải này cháy không triệt để sinh ra các khí độc như Oxit cácbon, Hydrocacbon dễ bay hơi, thậm chí phát sinh benzen độc tố cao, dioxin, furin là những chất đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, gây khó thở, viêm đường hô hấp,... Trong trường hợp bất khả kháng, phải đốt rác thải thủ công thì cần phân loại tách riêng các loại chất dẻo như: chai nhựa, cao su, túi nilon,… để chuyển đến các cơ sở đốt rác đảm bảo yêu cầu hoặc chuyển cho các đơn vị chuyên thu gom rác.

- Thu gom và đổ rác đúng nơi quy định: Tại các thôn, xóm trong xã đa số đều có các địa điểm quy định tập kết rác, sau khi phân loại, rác thải thuộc phần thải bỏ bà con cần mang tới đúng nơi quy định để vứt, không được vứt rác ra nơi công cộng để vừa giữ gìn vệ sinh môi trường vừa thể hiện được trách nhiêm của mình đối với cộng đồng.

Những việc làm trên rất đơn giản và hoàn toàn có thể thực hiện được đối với khả năng và năng lực của bà con. Với chức năng nhiệm vụ của mình, Viện Môi trường Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT luôn hỗ trợ, giúp đỡ và yêu cầu bà con thực hiên tốt các biện pháp trên để xây dựng quê hương ta giàu đẹp về kinh tế, xanh sạch đẹp về môi trường, đáp ứng được yêu cầu xây dựng nông thôn mới.

 

 


[1] Bài viết đã được sử dụng để phát thanh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh huyện Quốc Oai nhân dịp phát động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2014