Hội thảo “Xác định yếu tố, mức độ và nguyên nhân gây suy thoái chất lượng môi trường đất trồng lúa vùng Đồng bằng Sông Cửu Long” tại Cần Thơ

Cập nhật vào ngày: 12 / 09 / 2016

Hội thảo “Xác định yếu tố, mức độ và nguyên nhân gây suy thoái chất lượng môi trường đất trồng lúa vùng Đồng bằng Sông Cửu Long” tại Cần Thơ

          Ngày 9/9/2016, tại Khách sạch Cần Thơ, 41 Châu Văn Liêm, TP. Cần Thơ, Viện Môi trường nông nghiệp đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Xác định yếu tố, mức độ và nguyên nhân gây suy thoái chất lượng môi trường đất trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Đây là nội dung quan trọng trong khuôn khổ nhiệm vụ khoa học cấp Bộ thực hiện trong 3 năm (2015-2017) về “Nghiên cứu diễn biến và giải pháp hạn chế, phục hồi môi trường đất trồng lúa bị suy thoái vùng đồng bằng sông Cửu Long” do ThS. Hà Mạnh Thắng làm chủ nhiệm nhiệm vụ.

          Tham dự Hội thảo có GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt; PGS.TS. Mai Văn Trịnh – Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp cùng với 40 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý từ cục, vụ, viện, trường đại học. Cùng tham gia đóng góp cho Hội thảo còn có các đại diện lãnh đạo và cán bộ quản lý từ các Sở Nông nghiệp và PTNT của 13 tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long.

          Trên cơ sở báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ, tham luận của các địa phương, các đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận sôi nổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu có liên quan. Các địa biểu tham gia Hội thảo đánh giá cao về kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ và đã bước đầu xác định được yếu tố, mức độ và nguyên nhân gây  suy thoái chất lượng môi trường đất trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, tác động của biến đổi khí hậu gây xâm lấn mặn, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hoá học, quá trình phèn hoá là những nguyên nhân làm suy thoái đất trồng lúa nghiêm trọng.

Thông qua Hội thảo, nhiều giải pháp khắc phục suy thoái chất lượng môi trường đất trồng lúa đã được các nhà khoa học, quản lý và các địa phương đưa ra như cải tiến các quy trình kỹ thuật canh tác (đẩy mạnh áp dụng quy trình trồng lúa 3 giảm, 3 tăng; 1 phải 5 giảm,…), các giải pháp về cải tiến giống cây trồng; các giải pháp về quản lý và sử dụng phân bón; giải pháp về chính sách (quy hoạch, đầu tư công trình và hạ tầng cơ sở, chính sách chuyển đổi và sử dụng hợp lý đất trồng lúa, …). Các giải pháp được đưa ra từ Hội thảo có tính thực tiễn cao và là cơ sở quan trọng để nhóm thực hiện tổng hợp, thử nghiệm và hoàn thiện thành gói giải pháp góp phần phục môi trường đất trồng lúa bị suy thoái ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tin: Trần Đình Phả; Ảnh: Nguyễn Quý Dương

 

Tham khảo Link dưới đây để biết thông tin chi tiết

http://baophapluat.vn/tin-tuc-tinh-thanh/dbscl-dat-nong-nghiep-dang-gong-minh-keu-cuu-293721.html