Gỡ đầu ra cho thực phẩm an toàn

Cập nhật vào ngày: 14 / 12 / 2015

"TP HCM phải khẩn trương thiết lập cung cấp thông tin về nhu cầu rau và thịt theo từng thời điểm, đồng thời công khai về giá cả để người SX được biết", Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đề nghị.

Kích cầu thị trường 10 triệu dân Hôm qua 9/6, tại TP HCM đã diễn ra Hội nghị triển khai chương trình, kế hoạch năm 2015 về chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP HCM, do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND TPHCM tổ chức. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, Trưởng ban điều phối chủ trì hội nghị. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT TP HCM, với dân số khoảng gần 10 triệu người, nhu cầu tiêu thụ rau trên địa bàn TP khoảng 1 triệu tấn/năm, trong đó TP chỉ SX và đáp ứng được khoảng 30-40% lượng tiêu thụ hằng ngày, còn lại được cung cấp từ các tỉnh lân cận. Về tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm của TP, bình quân 287.000 tấn/năm, trong đó thịt heo là 182.000 tấn, thịt trâu bò 30.000 tấn và thịt gia cầm 74.000 tấn. Chương trình chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP HCM nhằm tăng thị phần rau, thịt đưa về tiêu thụ trên địa bàn TP từ các cơ sở SXKD đã được kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP và truy xuất được nguồn gốc; đồng thời tăng cường ý thức trách nhiệm của người SXKD và nhận thức về ATTP của người tiêu dùng. Chương trình được tập trung thực hiện tại các vùng trồng, sơ chế rau, chăn nuôi, cơ sở giết mổ chế biến gia súc gia cầm, vận chuyển, bảo quản sản phẩm rau, thịt của các tỉnh, thành phố có liên kết SX và tiêu thụ với TP HCM. Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, TP HCM và Hà Nội ngoài vai trò như các địa phương khác, vừa SXKD và hỗ trợ cho các DN nhưng còn với tư cách là hai thị trường lớn tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Do vậy hai TP này cần phải đưa ra được những yêu cầu của mình cũng như cách thức quản lý và kiểm soát. Còn về phía các địa phương khi muốn đưa được mặt hàng vào TP HCM và Hà Nội thì cũng phải đáp ứng được những yêu cầu, quy định của hai thị trường này. Ông Nguyễn Phước Trung, GĐ Sở NN-PTNT TP HCM cũng cho rằng đây là chương trình rất quan trọng thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cấp lãnh đạo cũng như người tiêu dùng TP HCM trong thời gian qua cũng như sắp tới. Hiện Sở NN-PTNT TP HCM đang tập trung xây dựng các chương trình, đặc biệt là kế hoạch giám sát chuỗi. Sau khi có kết quả giám sát theo từng thời điểm cũng sẽ gửi cho các tỉnh. Trước đây, TP HCM cũng đã thực hiện chuỗi thực phẩm an toàn do Sở Y tế TP HCM chủ trì và có Sở NN-PTNT cùng tham gia. Đến nay đã triển khai được 12 chuỗi về ATTP và hiện vẫn đang tiếp tục tăng cả về số lượng và quy mô từng chuỗi. Đối với các tỉnh, ngoài việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thì cũng cần thường xuyên kiểm soát tận gốc và lấy mẫu đánh giá. Tuy nhiên, ông Trung cũng nêu ra những bất cập về việc truy xuất nguồn gốc rất khó khăn vì không phải địa phương nào khi vận chuyển hàng lên TP HCM cũng có thể truy xuất được nguồn gốc. Địa phương thiết lập chuỗi cung ứng Đồng Nai là địa phương cung ứng tới 70% sản lượng thịt cho thị trường TP HCM, đến nay địa phương cũng đã ký kết với TP HCM hình thành được một số chuỗi cung ứng trên thị trường. Hiện tỉnh Đồng Nai đang đẩy mạnh quy hoạch các vùng chăn nuôi và cơ sở giết mổ tập trung để đảm bảo chất lượng sản phẩm an toàn. Ông Nguyễn Hữu Danh, Chi cục trưởng Chi cục quản lý Chất lượng nông lâm sản, thủy sản tỉnh Đồng Nai thẳng thắn đặt vấn đề với TP HCM khi muốn đáp ứng tốt về chất lượng các mặt hàng tiêu thụ thì có thể hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi gì cho các tỉnh? Cụ thể về việc trợ giá, kỹ thuật hay kinh phí… để giúp các tỉnh SX được sản phẩm chất lượng an toàn cung ứng cho TP.

Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý Chất lượng nông lâm sản, thủy sản tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Dũng lại cho rằng, TP HCM là thị trường lớn tiêu thụ sản phẩm rau, thịt cho các tỉnh. Vậy TP HCM hãy tự đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể của rau, thịt khi đưa vào TP thì cần như thế nào… nhưng phải có lộ trình để các địa phương thực hiện theo. "Bộ NN-PTNT đang phối hợp với UBND TP HCM và Hà Nội để triển khai thí điểm về chuỗi cung ứng rau, thịt sau đó sẽ nhân rộng. Đây là hai chuỗi thực phẩm rất quan trọng, thu hút sự quan tâm rất lớn của người tiêu dùng. Vì vậy cần có giải pháp nâng cao chất lượng để đem lại niềm tin cho người dân", Thứ trưởng Vũ Văn Tám. Đồng thời cũng cần hỗ trợ cho các DN ở giai đoạn đầu vì kinh phí thực hiện tiêu chuẩn VietGAP rất cao và thời gian tái chứng nhận cũng rất nhanh. Trong khi sản phẩm VietGAP còn nhiều bấp bênh, giá cả chưa có sự khác biệt so với những sản phẩm bình thường. Theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM, việc triển khai theo chuỗi không chỉ người dân TP HCM được hưởng, mà nông dân các tỉnh cũng được hưởng lợi theo. Từ đó, tạo sự liên kết trong SX và tiêu thụ sẽ bền vững. Theo ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, thời gian qua chúng ta mới chỉ chú trọng hỗ trợ, tập huấn cho DN và nông dân, chưa chú trọng đến đội ngũ “thương lái”. Vì thế, thời gian tới cần quan tâm đến đội ngũ này trong việc xây dựng chuỗi liên kết SX và tiêu thụ. Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh: Đối với TP HCM phải khẩn trương thiết lập cung cấp thông tin về nhu cầu rau và thịt theo từng thời điểm, TP cần bao nhiều tấn rau, thịt; đồng thời công khai về giá cả để người SX được biết. TP HCM cần đẩy mạnh chương trình giám sát từ chợ đầu mối đến hệ thống siêu thị và truy xuất nguồn gốc. Vận dụng các chính sách hiện có để hỗ trợ cho các DN giúp họ kết nối với các vùng SX nguyên liệu; phối hợp chặt chẽ với các địa phương để có cam kết thiết lập các chuỗi. Còn với các tỉnh phải tổ chức giới thiệu cho các DN kết nối với những cơ sở SX ATTP; quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, kiểm soát vật tư đầu vào và quy trình SX. Thậm chí các địa phương phải tự cạnh tranh để làm sao đưa được các sản phẩm vào thị trường TP HCM tiêu thụ, giải quyết đầu ra cho các mặt hàng nông sản của địa phương mình.

Nguồn NongNghiep.vn